Sang Anh đã được hơn 2 năm mà thực ra chúng tôi đi chơi ở đây không quá nhiều. Năm đầu tiên thì có các bà sang, đưa các bà đi gần gần, chỉ có Cotsword, rồi bờ biển Aberyswyth, xa nhất là lên Edinburg, còn lại là tới London, tính ra cũng chỉ có chừng 5, 6 chuyến đi chơi, và chủ yếu đi thành phố lớn hoặc những nơi hoa cỏ đẹp đẽ. Năm thứ  2, sẵn có visa Châu Âu 3 năm lại thêm việc đi chơi Châu Âu rẻ hơn ở Anh nhiều, nhất là về khoản thuê nhà nên cứ thế đi tới, đi suốt, đi mỏi chân luôn, đi đến mức nghĩ tới máy bay là nản: tháng 2 đi Lanzarote, tháng 3 về Paris, tháng 4 có xuống Ile of Wight – cái này thì ở Anh, tháng 6 đi Mỹ, tháng 8 về Bỉ, tháng 9 qua Munich, đáng lẽ tháng 11 đi Marrakech, khi mà visa hành lý sẵn sàng thì đùng phát dính bầu :D, vậy là hủy nằm nhà, dưỡng sức đợi Tết về VN ăn chơi 1 cú đã đời. Thực ra đúng là ăn đã đời, chứ chơi thì không, vì có bầu nên toàn bị cấm cản. 19/3 sang lại Anh,thời tiết ấm áp trong xanh, vậy là ngay lập tức lập kế hoạch đi chơi phiêu lưu vì giờ chồng đã biết lái xe thì còn ngại gì đường xá. Xưa nay mở miệng ra là chê nước Anh xấu, đến khi đi rồi thì thấy mình đúng kiểu ếch ngồi đáy giếng. Thực ra là do chưa đi nhiều, còn như đã đi hai chuyến nho nhỏ trong tháng 4  thôi đã khiến chúng tôi ồ à, trời ơi nước Anh đẹp quá người ơi.

Kỳ Phục Sinh đã được hoạch định sẽ đi Porthmadog để bắt sò, ốc móng tay, bào ngư như một người bạn kể. nhưng trước hôm đi chừng 5 ngày thấy dự báo đợt đó mây mưa lạnh lẽo, thế là tôi ỉ eo: cho em đi King’s Lynn đi, thời tiết bên đó đẹp mút mùa. Đúng cái weekend nghỉ Phục sinh nắng chói chang 20 – 21 độ, như hè luôn, mà lại còn ko phải lấy ngày nghỉ trong năm nữa. Chồng mới kêu: gấp thế này còn có 3 hôm sau kịp thuê nhà nghỉ, thế là tôi nhào lên luôn, đây này có cái khách sạn này được lắm, giá cả hợp lý cho 2 đêm, mình đi đi. Giống như bị vào tròng, mà kể ra từ lúc bị dụ cưới tới giờ lúc nào chả vô tròng này, bẫy kia :)) nên chồng chuyển ngày thuê nhà ở Porthmadog và sẵn sàng xe lao tới Norfolk thân yêu.

Norfolk nằm phía Đông của nước Anh có bờ biển dài nhiều loài sinh vật sống vì chúng di cư từ phương Bắc xuống thì thường trú ngụ lại đây luôn. Chẳng trách ở đây có lễ hội đi nghe chim hót, rồi có tour đi coi hải cẩu, mở tạp chí Wildlife cứ bài nào về nước Anh là lại thấy đề vùng Norfolk thật lý tưởng để đi dạy con về thế giới động vật. Cơ mà người mẹ thâm sâu này muốn đi Norfolk lại chủ yếu vì những cánh đồng hoa tulip bạt ngàn. Nghe có kì quặc và kì lạ không? hoa tulip ở nước Anh, mà hẳn là cánh đồng nữa chứ. Tất nhiên nghe hoa tulip ai cũng nghĩ tới Hà Lan, như nghe William nghĩ tới Shakespeare thay vì tên hoàng tử ấy, nhưng thật ra ngoài vựa Hà Lan thì ở Pháp cũng có 1 vùng trồng ít nổi tiếng hơn là Qimquer, và ở Anh có một trang trại nhỏ xinh tên Belmont nằm gọn lỏn ở Norfolk ấy. Belmont được khai sinh bởi một người Hà Lan thế nên nó mang sứ mệnh trồng tulip, đây là nơi cùng cấp củ và cả hoa tulip có phần lớn nước Anh, nên cũng ti vi báo chí ghê lắm. Từ năm 2017 khi mẹ qua chơi, tôi đã lùng ra Belmont rồi nhưng hồi đó không có xe, mà tàu thì không tới nổi, xa xôi quá nên đành lặng lẽ nhét vô 1 ngăn trong trí nhớ, thi thoảng lôi ra ngắm nghía, đợi 1 ngày thiên thời địa lợi nhân hòa là cho lên dĩa mời chồng xơi cùng.

Đường tới hoa tulip thật không dễ dàng, nếu chạy xe thẳng cũng 3h mà có thêm con nhỏ 3 tuổi thì ắt hẳn phải nhân lên gấp rưỡi. Em nhỏ khi lên xe thì háo hức nhưng được 20ph bắt đầu bài ca: sao lâu tới thế. Người mẹ thâm sâu lại phải lấy kẹo jelly beans ra chơi trò, nào đoán xem mẹ có kẹo màu j trong tay, đoán đúng được ăn, đoán sai mẹ chén. Cứ chơi qua chơi lại cũng cứu rỗi được 20ph. Tiếp theo mở Wildlife ra cho xem con vật và giải thích, ok lại thêm 20ph thì mẹ chóng mặt trước con. Tiếp theo là nhìn ra đường ngắm mây, cây, nói chuyện nhảm, hát hò, thi ca, giải trí tạp kĩ, vậy là được hơn 1h. Mẹ mệt lả, con chả buồn nghe, nằm rú rù, thì tới được điểm đến chọn trước. Một công viên to đẹp Kettering, giữa đường đi, mẹ chọn bừa thôi nhưng ai ngờ nó thật vậy, to thật là to, đẹp thật là đẹp. Công viên có đủ hồ, thuyền, leo trèo trên cây, hang lemur, nhà hàng, quầy kem, kèm theo một playground với cả chục loại cầu trượt khác nhau từ gỗ tới thép, tới trượt đồi cỏ, tuyệt vời mê tơi. Lucie vui chưa từng, mẹ ơi Cie vui, Cie vui. Vâng, con vui là mẹ mừng rồi. Một tiếng chơi ở công viên không thể nào đủ với Lucie, nhưng tới giờ thì vẫn phải đi, với nghe được uống milkshake ở McDonald thì chị cũng vui lòng theo chân ba mẹ.

57449487_10155982319837007_5024248954699644928_n

57451115_10155978997392007_187635859757989888_o57485411_10155977541112007_2679499786666639360_n

Lúc này trời nóng ấm, trong xe như mùa hè, Lucie phải mang áo cộc và quần đùi, có thể nào tin được đây đang là tháng 4 Anh Quốc. Ôi nắng vàng ươm, nhạc Queen chạy đều đều, những con đường đầy cây và nhà nhỏ hai bên, thi thoảng có con chim trĩ hay con thỏ chạy ngang qua, sao xinh, sao yêu, sao đẹp quá. Một vẻ đẹp dung dị, thân thương, đáng mến vô cùng, mà khi tả lên lại không có sự nổi bật nào để nói, chỉ có thể nói nó ngập tràn niềm vui. Trong sự phấn khích tôi dúi chồng lên thẳng cánh đồng tulip đi, trời đẹp quá, chồng thì mới lót dạ mỗi ổ bánh mì, đói mệt muốn ngủ vì lần đầu đi đường dài nên cứ ậm ừ không muốn đi. Nhưng tôi vẫn dài cái mặt ra, thế là xe đi thẳng về East Winch. Xe đậu lại là thấy hoa bạt ngàn luôn, không tin vào mắt mình, nhiều hoa tới vậy sao. Lucie vốn không đam mê gì hoa như mẹ hay các bà nhưng vì những luống hoa đỏ hồng vàng xen nhau như cầu vồng nên háo hức đòi xuống ngay. Chị gái vẫn mê rainbow lắm lắm, từ quần áo, giày dép, balo, kẹp tóc tới quần lót haha. Thế là hai mẹ con lao ngay ra ngắm, ba nó thì thất thểu đi phía sau như một người đàn ông tội nghiệp bị vợ hành hạ dài ngày. Cánh đồng có biển cấm drone và ngắt hoa nên mẹ có vẫn đi vào, đi phía bên ngoài chứ không dám đi sâu vào luống sợ gãy cành hoa. Lúc này có một xe máy cày đang đi cắt vài luống hoa, cũng có vài ba người đang tới chụp ảnh nên cả nhà càng yên chí đi ngắm hết luống tím, tới tím đen, tới đỏ, hồng, vàng, cam. Ôi hoa cả mắt, nắng ấm trải dài ruộng hoa như mùa hè rực rõ, mẹ váy, con quần đùi, có thật chúng ta đang ở Anh không?  Thật may mắn không ngờ.

57277899_10155977686807007_2371361043097059328_n57221327_10155977541182007_7338710133620342784_n

Hít hà hương hoa được 30ph thì người đàn ông tội nghiệp đã được chiếu cố cho trở về khách sạn. Khách sạn dễ thương nằm ngoài thành phố nhưng xinh xắn có vài cây anh đào nở trắng muốt phía trước, có xích đu, cầu trượt phía sau và những hàng bàn ghế gỗ. Phòng ngủ nhỏ vừa mà có cái bồn tắm bé vừa cho Lucie bơi tắm nên chị ấy thích lắm, từ đó về sau cứ nghe đi khách sạn là nhảy lên, đi khách sạn đi Cie thích lắm, thích ở khách sạn có bồn tắm nhỏ :)). Trong khi chồng con ngủ thì tôi lên mạng coi fb của Belmont thì phát hiện ra họ không khuyến khích người dân vào chơi chụp ảnh, bởi đây là nursery nơi trồng ươm hoa để bán thôi, chứ không có dịch vụ du lịch cho xem do chưa mua bảo hiểm. Dân tới coi, đỗ xe khắp nơi còn làm ảnh hưởng tới dân địa phương nữa nên hoàn toàn không được hoan nghệnh. Ôi trời ơi tôi vừa làm một cái việc bị cấm đoán sao, hú hồn, may mà không lên FB Belmont sớm chứ không, đến Norfolk sẽ không dám tới coi vậy là tiếc đứt ruột, mà đi lại áy náy đứt lòng, kiểu gì cũng hỏng hết nội tạng, may quá đi khi còn ngây thơ, giờ biết rồi, tận hưởng đủ rồi, sẽ không tới lại nữa. Hehe tôi đã nghĩ xấu xa như vậy đấy, nhưng đầu cũng bị ám ảnh bởi sự mê hoa không đúng chỗ của mình.

Thế nhưng sự ám ảnh chỉ được vài tiếng, khi gió biển King’s Lynn nổi lên thổi bay tóc con tóc mẹ thì tôi quên khuấy rồi. Chúng tôi đi xe vào King’s Lynn để coi thủ phủ vùng Norfolk có gì thú vị. Thành phố nhỏ cũng đáng yêu, có những ngôi nhà half timber, đường lát đá, tọa giữa trung tâm của thành phố là nhà thờ vững chãi và một quảng trường nhỏ, nơi có vài quán ăn xinh đẹp, một trong những quán đó là nơi tôi đã nướng tiền vào. Giờ tôi thật không nhớ nổi nó tên gì, có lẽ nằm trên đường Market, một quán nhỏ chỉ vài bàn, nhưng được đánh giá cao trên google. Nhân viên quán thật kiểu cách và dễ thương. Họ đưa rượu lên, đưa bánh mì nóng kèm bơ và vài thứ ăn kèm như cách các nhà hàng sang trọng ở Pháp vẫn làm. Bơ còn được để trên một hòn sỏi rất vui mắt. Lucie chén sạch bánh mì và bơ trước khi món chính tới vì nó ngon quá. Món chính của con là macaroni phủ phô mai, một món nghe rất phổ thông nhưng con gái tôi  – kẻ luôn nhõng nhẽo đòi mẹ xúc, đã tự cầm thìa ăn một mạch hết sạch vì quá ngon. Kể cũng đáng đồng tiền. Còn món ăn của hai chúng tôi là cá, nhìn qua đã thấy sự tinh tế từ kết hợp rau củ với cá, tới cách trình bày món ăn. Từ ngày sang Anh lần đầu chúng tôi trở lại với phong cách gastronomy này, bởi thường ngày vẫn chỉ khoái tới pub hay Nando’s cho to rộng, ồn ào hợp với con nhỏ. Một buổi ăn tối chi tiền xứng đáng, vừa ngon vừa vui vì con nó tự giác vậy. Người con gái thích ăn hàng và mê ở khách sạn, mỗi sáng thức dậy luôn hỏi mẹ: Nay ta đi đâu chơi?

57602636_10155980068027007_5216157044196769792_n57703254_10155980068187007_3730184993566097408_n

Ngày thứ hai ở đây chúng tôi ghé Wells-next -the-sea, trời tên dài ghê, dịch là gì đây, Những cái giếng cạnh biển à. Đang ngày nghỉ lễ lại nắng nóng, nên dân tình kéo ra biển đông nghẹt, cứ như đi Cửa Lò hay Sầm Sơn vậy. Chúng tôi tìm mãi không được chỗ đỗ xe nào nên chồng đành thả hai mẹ con gần bãi biển rồi lái xe ra gửi ở một siêu thị chắc cũng xa vài cây số, kiêm luôn nhiệm vụ mua đồ ăn picnic. Tôi chỉ lê thân, bế bụng bầu, kéo con nhỏ đi qua con đe chắn sóng cùng hàng tốp người để tới bờ biển mà cảm giác như đi hành hương tới sông Hẳng. Ngồi phịch xuống bãi cát, coi như cắm xong cái sào an cư, quy hoạch vùng đất của mình, rồi, giờ xây nhà thôi. Xẻng, xô, tôm, cá tung hết lên, con tôi nghiêng nghiêng cái má phính, chúm chím cái môi, mắt chăm chú, xây những lâu đài cát. Mẹ con hì hục làm tới 5 cái lâu đài thì ba trở về, xơ xác, ngơ ngác, tan tác như vừa đi chiến trận. Người lính đổ gục xuống, nằm dài thõng ra, buông lơi bịch đồ ăn trước ngực: “Em ăn đi”. Đội ơn người, tôi bắt đầu mở bịch, tay lôi đồ, miệng réo con, ăn thôi còn có sức xây nhà lập nước. Thế là bữa pinic bên bờ biển như yêu cầu của con thành sự thực, những bánh mì kèm thịt nguội phủ cát được ăn tới miếng cuối cùng. Lúc đấy mới có sức nhìn ra bốn bề.

57533069_10155980068847007_2394832884750876672_n57536367_10155980068552007_8009927841682554880_n

Thực ra nói đông nhưng cũng không đông quá, tầm mắt vẫn trải dài mở rộng nhìn thấu cả bờ biển mênh mông. Bờ biển rộng tới mức nhìn mãi mới thấy nước, có nước đó, chạy xuống lội chút thôi, lôi mà muốn rùng mình, nước tháng 4 mà mong gì hơn, dù trên bờ nóng rực thì dưới đó vẫn lạnh cóng. Wells-next-the-sea hơn những nơi khác ở hệ thống nhà gỗ gọi là beach huts nhiều màu, đẹp mắt xanh hồng vàng, để chụp ảnh ảo thì tuyệt. Thế nhưng khi nhìn thấy beach huts tôi chỉ nghĩ tới truyện ngắn East Wind của Julian Barnes, một anh chàng cô đơn đi ăn trưa tại một quán ăn bên bờ biển thắc mắc vì sao những cái beach huts kia bị cháy, nhờ vậy anh quen cô bồi bàn một cái gái luôn ẩn mình. Họ quen nhau, yêu nhau, nhưng anh chưa bao giờ biết về cô, cho tới ngày anh tò mò, tìm được một chút thông tin thì cô bỏ đi. Một thân phận đáng thương. Cuốn Pulse của Barnes tôi cũng thích vì câu chuyện đơn giản, thường nhật, không u uất nhiều.

Chỉ có tôi u uất khi nghĩ về con đường dài phía trước cần băng qua để đi về lấy ô tô. Thật may có một con tàu hỏa nhỏ tu tu xình xịch kéo chúng tôi từ bãi biển về bờ, về nơi mọi người đang câu cua, à câu cua thì tôi từng đưa Lucie đi rồi, cũng vui đấy nhưng mà tôi chả biết làm gì với những con cua sống cả nên thôi. Chúng tôi về cái xe hầm hập của mình rồi phóng xuống Hustanton beach. Một bãi biển đầy sỏi và cát, nhìn thô sơ hoang dã bởi những núi đá bị cắt xẻ, lộ ra lớp lang màu trắng pha cam thật đẹp. Tôi rất thích cái thực trạng nguyên sơ, thô ráp của nó, nhất là những beach huts cũng thô kệch nằm giữa mấy bụi lau. Thật không khó để trở lại một chút thời nguyên thủy. Chúng tôi đi ủng vào lội ra nước để tìm coi có hang sò ốc nào không nhưng chưa kịp làm gì thì trời cử thủy triều tới, nước dâng nhanh chóng mặt. Chi một chút tôi đã đẩy chúng tôi ngồi lại bờ. Có mấy cô bé gái vẫn bơi ngập trong nó, còn háo hức lên nói mẹ nhìn thấy có hải cẩu đấy, rồi lại lăn lại bơi, như chúng sinh ra từ lòng nước vậy. Hay thật, nếu tôi là người mẹ đã bắt chúng vào bờ cuốn khăn ngay rồi, nước lạnh lắm, thủy triều rồi. Gió thổi thống thiết, chúng tôi bị dội về đúng thực tại chỉ là những ngày xuân mới sang, hè còn lâu lắm. Ăn đĩ fish and chips trên phần bờ biển sầm uất hàng quán mà lạnh cóng người, ăn nhanh để còn về, chứ không đông lại ùa tới lúc nào không biết. Trong cái lạnh ấy tôi vẫn phải ngẩn người về một hoàng hôn đỏ ối. Hoàng hôn trên Hustanton to đẹp rực rỡ tròn đầy. Mặt trời à ngủ ngon nhé, một ngày vất vả rồi. Còn mẹ à, ngày mai mình sẽ đi đâu.

58373951_10155980067832007_6802534959077654528_n58374747_10155980067607007_5914417313758576640_n58445064_10155980210572007_2996617056289292288_o

Ngày mai mình sẽ đi biển tiếp, mình lên xa hơn lên Blakeney coi tour hải cẩu. Một ngày chỉ có 2 tour theo lịch thủy triều nên lỡ là đi tong. Đây đã là ngày cuối ở Norfolk nên dù thế nào cũng phải dậy sớm, đi nhanh để kịp giờ lên tàu, dập dềnh sóng nước, nơi mà chỉ vài tiếng sau sẽ là những bãi cát sình lầy mà có thể lội ủng đi trên đó được. Họ đưa đi qua những con thuyền, qua ngôi nhà nhỏ trên một ụ đất đó là nhà quan sát của Blakeny với màu xanh lá đẹp mắt, và rồi tới ụ đất nơi những con hải cẩu đen óng, tròn béo, nằm căng ra phơi nắng. Chúng dễ thương quá, có con béo mẫm to đùng mà thực ra rất nhỏ mới hơn 1 tuổi, nhỏ bẳng nửa tuổi Lucie mà to gấp 4. Kể mà nuôi con cũng to được nhanh như hải cẩu nhỉ. Vài cái đầu như quả bóng nhô lên, ah mấy chú hải cẩu đi tìm mồi, bơi nhanh trong nước rồi chậm rãi lên bờ lăn qua lăn lại gãi ngứa. Những chú hải cẩu này từ phương Bắc xuống, chỉ ở đây vài tháng rồi lại lên kia lại. Chúng tôi đi chuẩn mùa đó. Lucie háo hức lắm lần đầu thấy một con thú hoang dã gần tới vậy.  Thế nhưng vì được nuôi trong nhà nên Lucie vẫn dành sự ưu ái cho mấy con nuôi trong nhà hơn.

58442523_10155982321327007_7969285867535597568_n

 

Khi em được tới Snettisham nhìn những bò, ngựa, dê, cừu, gà, thỏ, hamster thì mắt cứ long lanh. Em mê mệt những con cừu con, có con vừa mới đẻ thậm chí rốn còn dính mẹ, có con máu vẫn dính lông, có con chân đi loạng choạng, đáng yêu làm sao. Những con lớn hơn chút, chạy được, háu ăn rồi thì được thả ra cho các em bé xếp hàng vào cho bú. Lucie được phát một bình sữa to hơn cánh tay, ba giữ em trong lòng, rồi đợi con cừu của mình tới, nó tới hút lấy hút để, nhanh và mạnh tới nỗi em giữ không nổi, ba phải trợ giúp mới không bị con cừu kéo đi. Con cừu uống xong thì chạy chơi, em liền đuổi theo lùa nó vào chuồng, không hề sợ hãi đám đông, hay con vật, điều mà mọi khi luôn làm em nhút nhát. Lucie má đỏ hây hây xếp hàng lần 2 cho cừu uống. Em hoàn toàn làm chủ tình thế. Khi em lên xe đò dập dềnh theo đoàn tới công viên hươu em cũng rất phấn khích. Xung quanh xe ngập tràn hươu. Những con hươu có sao trên người, những con có bộ sừng to khỏe, chúng đợi để phát đồ ăn, mọi người bỏ vào tay một nhúm đồ ăn là hươu nhào vào tay liếm. Lucie lúc đầu còn rụt về phía mẹ sau mạnh dạn ra xoa đầu hươu. Hiếm nơi nào có bầy hươu lớn như ở đây. Những con hươu này được thả hoang, có con chạy chơi vào làng, được người ta gọi điện tới, người công viên tới không dám bắt bỏ nó lên xe, phải dùng chiêu rải thức ăn dọc đường, đi 7 tiếng mới về được nơi ở của nó.

58441269_10155982320137007_2750784819167232_n57591496_10155982320202007_1919793155167748096_n

Snettisham chắc là trang trại to nhất tôi từng tới. Một trang trại vẫn còn hoạt động bình thường nhưng có thêm dịch vụ cho khách vào chơi. Anh hướng dẫn viên kiêu hãnh nói hàng xóm gần tụi tao nhất chính là nữ hoàng. Nữ hoàng có trang trại ở vùng này ngay sát bên, mới năm ngoái thái tử Charles còn quay đây mua 100 con cừu về gặm cỏ bên đó, tụi tao chỉ sợ tụi cừu sẽ ăn lấn qua đất cỏ bên này. Nữ hoàng còn tặng cho vợ chồng hoàng từ William một biệt thư to ở vùng này, mà công nương Kate rất thích đưa con về để sống gần thiên nhiên. Thế mới biết vùng Norfolk này được cưng chiều cỡ nào, toàn sân sau vườn nhà của hoàng gia.

Chơi ở Snettisham tới quá chiều thì cả nhà mới lên đường đi về, lại ghé Kettering cho con làm vái cú trượt, ăn vài que kem cho mượt họng, để lấy sức về lại mái nhà xưa. Nhà, nhà, nhà, vẫn luôn là nơi trở về để nghĩ kế xem đi nơi nào tiếp, hehe.

 

 

2 thoughts on “Nắng tháng 4 Norfolk

  1. Trẻ em mà được cầm bình cho bê bú thì thật là sướng mê tơi. Tuổi thơ của cô làm gì mà có được chuyện ấy. Cô thật là mừng cho tuổi trẻ bây giờ.

Leave a comment