Ước mơ làm vườn

image12

Anh chồng tôi lúc nào cũng có giấc mơ: anh muốn làm nông dân.

Khi tôi sắp hoàn thành PhD thì mới phát hiện ra 1 trang web xin đi làm nông. Đại loại mình sẽ tới các trang trại, làm việc cho họ và được bao ăn trong vòng 1 đến 2 tháng. Các công việc rất đa dạng từ cắt cỏ, tưới cây, tới chăm ngựa hoặc phụ sửa nhà sửa cửa, trông em bé, tới dạy các em học. Tôi hào hứng nói với chồng: “Bảo vệ xong em sẽ đi vài tháng. Em sẽ xin đi làm vườn trồng cây cho thoải mái. Cái ghế là đường tắt dẫn tới thiên đường mà em còn muốn sống dài lâu.”. Chồng thấy thế thì ủng hộ lắm “Em đi đi rồi Noel anh xuống giúp”.  Anh chồng bảo “Chắc cả 2 đứa cùng đi đi, chứ em thế này ai thuê, phí cơm phí gạo”. Vậy là hai vợ chồng lao vào tìm việc phù hợp. Chồng mê đi nuôi ngựa, vợ mê đi phụ trang trí mấy nhà nghỉ vùng núi.

Trước khi bảo vệ tầm 3 tuần tôi phát hiện mình có bầu. Tôi nằm vật vã ở nhà, ngủ và ngủ. Chuyện làm vườn đi vào dĩ vãng. Đến cả công việc mơ ước là làm ở quán bia Frog and British Library được gọi cũng không vác xác đi được. Thực ra làm ở quán bia cũng không có gì thú vị, ngoài chuyện được học tiếng Pháp và  món tôm chiên vô cùng ngon, cứ nghĩ đi làm sẽ kiếm được ít về cho chồng và em ăn nên mới ham. Cả cái ham muốn làm 1 chuyến châu Mỹ cũng tan tành. Trong năm cuối PhD, tôi đã viết từ du lịch cho Thegioidienanh, autocar, review phim cho Cafebiz, tới văn hóa, điện tử, thời trang, du học cho Truyền hình Hà Nội, rồi ra sách, gom gom cũng đủ cái vé 2 chiều đi Peru và tiền ăn cho 1 tuần, vậy mà cũng không thể tiêu (thực ra Tết vừa rồi về đã tiêu bằng sạch).Mọi giấc mơ con đổ sụp, cho một cuộc đời lớn ra đời.

Mỗi mùa xuân, anh chồng lại ươm ít hạt giống. Năm ngoái anh ươm hoa thủy tiên và cà chua. Chẳng có gì lên cả. Anh mua cây dâu tây về trồng, đợi con ra đời sẽ chơi. Con ra đời thì ba mẹ cũng được ăn vài lứa quả. Qủa ngon vô cùng, nên nó làm dậy lại ước mơ năm nay sẽ trồng nhiều nhiều dâu cho Lucie tự hái. Trước khi về ăn Tết, anh cũng hì hụi gieo củ hoa thủy tiên xuống đất. Đến khi vợ chồng con cái sang lại paris vào cái ngày ủ dột, mà ai cũng buồn thiu ấy thì những bông hoa màu vàng nhỏ nhoi ấy thực sự đã làm bừng lên chút sức sống trong người. Năm nay hứa hẹn sự làm vườn sẽ thành công.

Vấn đề là nhà không có đất. Cái vườn dưới nhà là vườn chung không thể tùy tiện trồng. Vợ chồng nghĩ đủ kiểu xem phải làm sao để thỏa giấc mơ nông dân. Vùng chúng tôi sống là zone 3 của Paris, gọi là Choisy le roi, nghe rất vương giả. Sáng sáng tôi hay đẩy xe cho con ra công viên và đi dọc trung tâm. Một hôm hai mẹ con đang lang thang thì tôi thấy biển chỉ dẫn vào Permaculture jardin, tôi tò mò đi theo thì thấy đó là một khu vườn nhỏ xinh, có nhiều luống rau và các hộp xốp. Về nhà lên mạng tìm thông tin mới biết Choisy le roi có dự án vườn chung. Ở một số chung cư và công viên, họ khoanh vùng một mảnh đất cho dân tới cùng làm vườn. Nghe đến là thú vị, anh chồng tôi thì chẳng thiếu gì hạt giống, chỉ thiếu đất để làm. Tôi thảo ngay cái thư xin làm vườn chung, thậm chí còn xin làm dự án J’adopte un abre, tức là tôi nhận nuôi 1 cái cây. Chính quyền sẽ phát cho người nhận 1 cái cây cao bóng cả, và họ có nhiệm vụ trồng hoa dưới gốc cây để làm đẹp cho nó. Dễ thương hết sức, hi vọng Lucie sẽ có một cái cây làm em.

Ngoài ra 2 vợ chồng cũng tính cho con tham gia sự nghiệp hái lượm và từ thiện. Ở đây có tổ chức gọi là ACAC, cứ mỗi chủ nhật, sau 2h chiều họ lại tụ tập lại các gian hàng rau củ ở chợ trời để xin những rau củ ế. Sự haỏ tâm của người bán hàng sẽ mang lại những sạp rau mới cho người nghèo. Rau quyên góp được mang ra quảng trường gần đó, để người nghèo, người vô gia cư, người thu nhập thấp tới lấy. Thậm chí người tàn tật hay có con nhỏ sẽ được mang rau tới tận nơi. Nếu rau củ không được cho hết thì mang về làm phân bón cho các khu vườn rau chung. Ý tưởng tiết kiệm đó làm tôi nhớ bà cô giáo dạy tiếng Pháp.

Cô đã 65 tuổi, ngày ngày nhận tụi trẻ con Việt theo bố mẹ qua đây tới nhà học tiếng Pháp, ăn ngủ, chơi cùng cô. Những đứa sinh viên mới sang còn bỡ ngỡ thì cô tới tận nhà. Cô đạp xe tới, trên đường đi, cô thấy người ta vứt đồ liền nhặt lại, khi thì khăn tay, khi thì đồ  trang trí nhà, khi thì ly cốc. Thứ nào thích thì cô để lại, còn đa số cô mang về làm sạch rồi mang ra Emaus quyên góp để họ bán hoặc cho những người nghèo. Cô nói “Sao bây giờ, họ có thể lãng phí vứt đồ như thế nhỉ, đồ không dùng của người này có thể là đồ dùng của người khác”. Cái cách cô lọ mọ nhặt và rửa đồ làm tôi ngạc nhiên. Nước Pháp giàu có có lẽ vì người ta không sống phí phạm. Kiểu sống lãng phí và thể hiện giàu có chỉ dành cho những kẻ nghèo thích chứng tỏ. Đằng sau cái áo veste đắt tiền lại là cái áo may ô rách toạc.